Nhắc đến Hướng nghiệp thì có lẽ lý thuyết nổi bật nhất và được dùng phổ biến nhất hiện nay trên thế giới chính là Holland Codes (Mật mã Holland) hay R-I-A-S-E-C. Các bậc Cha Mẹ cần hiểu về Holland Codes như thế nào, các bạn học sinh trước ngưỡng cửa phân ban và chọn ngành nghề cần biết gì về Holland Codes, xin đừng bỏ qua bài nhập môn sau.
Holland Codes, do John L. Holland đề xướng là một hệ thống phân loại công việc hay nghề nghiệp thành các mảng ngành nghề, nhóm sở thích hoặc đặc tính môi trường làm việc nhằm hỗ trợ quá trình hướng nghiệp hay nói một cách cụ thể hơn là giúp một người xác định nghề nghiệp và công việc mà người đó quan tâm.
Trong Mô hình Holland có 6 nhóm tính cách, đại diện cho đặc trưng công việc hay nghề nghiệp gồm:
REALISTIC – Nhóm Kỹ thuật, với đặc trưng chính là tính thực tế. Những người thuộc nhóm này thường quyết đoán và thích cạnh tranh. Họ quan tâm đến các hoạt động đòi hỏi sự phối hợp vận động, kỹ năng và sức mạnh. Những người có khuynh hướng thực tế thường thích giải quyết vấn đề bằng hành động thực tiễn hơn là suy nghĩ hay bàn luận. Họ thích cách tiếp cận cụ thể để giải quyết vấn đề, hơn là lý thuyết trừu tượng. Họ có xu hướng quan tâm đến khoa học hoặc máy móc hơn là các lĩnh vực văn hóa và thẩm mỹ. Trong hướng nghiệp, họ thích làm việc với SỰ VẬT (THINGS).
INVESTIGATIVE – Nhóm Nghiên cứu: Người có thuộc tính nghiên cứu thích suy nghĩ và quan sát hơn là hành động; thích sắp xếp và hiểu thông tin hơn là trao đổi, thuyết phục. Họ có xu hướng thích các hoạt động cá nhân hơn tập thể. Họ thích những công việc được làm với DỮ LIỆU (DATA).
ARTISTIC – Nhóm Nghệ thuật: Những người có tố chất nghệ thuật thường sáng tạo, cởi mở, độc đáo, khả năng tiếp thu tốt, nhạy cảm, độc lập và giàu cảm xúc. Họ không thích những gì mang tính kết cấu và quy tắc, như những công việc liên quan đến con người hoặc kỹ năng thể chất và họ dễ bộc lộ cảm xúc hơn những người khác. Họ thích suy nghĩ, tổ chức và hiểu các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Họ thích làm việc với Ý TƯỞNG và SỰ VẬT.

SOCIAL – Nhóm Xã hội: Người có thuộc tính xã hội thường thấy hài lòng và thoải mái khi được hướng dẫn, giảng giải hoặc hỗ trợ, giúp đỡ ai đó. Khác với Loại R (Thực tế) và I (Nghiên cứu), nhóm Xã hội có khuynh hướng tìm kiếm những mối quan hệ gắn kết với người khác và họ không nhất thiết phải theo đuổi trí tuệ đỉnh cao hoặc thể chất siêu việt. Họ thích làm việc với CON NGƯỜI, và đặc tính này rất quan trọng trong công tác hướng nghiệp.
ENTERPRISING – Nhóm Quản lý (hay Đế chế): là những người với đặc trưng dám nghĩ dám làm. Người thuộc nhóm này có tài ăn nói và họ sử dụng tốt kỹ năng này để lãnh đạo hoặc thuyết phục người khác. Đặc điểm của nhóm Quản lý còn là: coi trọng danh tiếng, quyền lực, tiền tài và địa vị, và vì thế, họ thường sẽ theo đuổi các giá trị ấy. Họ quan tâm và thích hợp làm việc với CON NGƯỜI và DỮ LIỆU.
CONVENTIONAL – Nhóm Nghiệp vụ (hay Nguyên tắc): Những người thuộc nhóm Nghiệp vụ thường thích quy định, luật lệ và họ coi trọng khả năng tự kiểm soát. Họ thích những gì theo hệ thống và trật tự, và không thích công việc không được sắp xếp rõ ràng hay các tình huống cá nhân. Họ đề cao giá trị danh tiếng, quyền lực hoặc địa vị. Họ thích làm việc với DỮ LIỆU (DATA).
Các bài đánh giá sử dụng PHƯƠNG PHÁP TRẮC NGHIỆM HOLLAND sẽ liên kết khuynh hướng sở thích nghề nghiệp với các mảng công việc các ngành nghề lớn. Người làm trắc nghiệm sẽ xác định được 2 hoặc 3 mảng khuynh hướng của bản thân, chính là 2 hoặc 3 ký tự chính trong nhóm 6 ký tự R-I-A-S-E-C đại diện cho 6 nhóm tính cách đã phân tích ở trên. Từ đó, các chuyên gia sẽ đi sâu phân tích cùng với ngành học, sở thích, năng lực học sinh… để suy luận ra các nghề nghiệp có liên quan.
Vậy, rõ ràng là việc đầu tiên trong công tác hướng nghiệp của chuyên gia hay trong quá trình chọn ngành nghề của bất cứ một cá nhân nào sẽ phải là một bài Trắc nghiệm tính cách.
Chúng ta có thể tìm hiểu thêm qua clip ngắn sau đây